Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các cơ quan thể chế quy định tính thuế người sử dụng nhiều đất đai hơn so với hạn mức, bỏ hoang hóa đất.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà thừa ủy quyền Thủ tướng, ký báo cáo của Chính phủ gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu về dự án Luật Đất đai sửa đổi, ngày 5/12. Theo đó, có đại biểu đề nghị quy định nguyên tắc đánh thuế với người quản lý, sử dụng nhiều đất đai hơn so với hạn mức; trường hợp để hoang hóa đất đai.
Chủ trương tính thuế cao hơn với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, bỏ đất hoang, đã được Trung ương nêu trong Nghị quyết 18, tháng 6/2022.
Hồi tháng 8, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu quan điểm sẽ nghiên cứu tính thuế cao hơn với người sử dụng đất vượt hạn mức; người dân dùng đất trong hạn mức sẽ tính thuế thấp. Ông phân tích, hiện có người nhiều nhà, nhưng diện tích nhỏ; cũng có người chỉ một nhà, nhưng rộng hàng nghìn m2. Vậy nên cần tính hạn mức sử dụng đất cho từng địa phương, chẳng hạn có nơi 300 m2, 500 m2, có nơi 1.000 m2. Người dùng đất vượt hạn mức 3-4 lần thì sẽ có mức thuế cao hơn.
Đồng thời, ông Hà cũng cho biết sẽ xem xét đánh thuế lũy tiến với các dự án trúng thầu, đấu giá, nhưng chậm đưa đất vào sử dụng và người đầu cơ đất. Đơn cử, người mua đất xong bán ngay có thể phải chịu mức thuế sao hơn so với người mua để sử dụng đất lâu dài, ổn định. “Chúng ta sẽ áp thuế cao với những người đầu cơ, mua đất, dự án nhưng sau đó không đầu tư mà chờ thị trường tăng để thu lời”, Bộ trưởng Hà nói hồi tháng 8.
Liên quan đến tài chính đất đai, báo cáo của Chính phủ cho hay, một số đại biểu đề nghị điều tiết hài hòa nguồn thu từ đất giữa Trung ương và địa phương. Cơ quan soạn thảo cho biết sẽ đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng lộ trình rà soát, tổng kết thi hành các luật về thuế sử dụng đất, báo cáo Quốc hội. Việc điều tiết nguồn thu từ đất, dự thảo chỉ quy định nguyên tắc, việc thực hiện sẽ theo pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công.
Hiện trạng một phần khu đô thị Tây Bắc TP HCM (huyện Hóc Môn), đang bị treo hơn 20 năm nay, tháng 4/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Hiện trạng một phần khu đô thị Tây Bắc TP HCM (huyện Hóc Môn), đang bị “treo” hơn 20 năm nay, tháng 4/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Về thu hồi đất thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, nhiều đại biểu đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn để tránh lợi dụng hoặc hiểu khác nhau khi triển khai; làm rõ có thu hồi đất với dự án đô thị, nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở. Có ý kiến ý cho rằng dự án đô thị, nhà ở thương mại là hoạt động kinh tế đơn thuần, không phục vụ lợi ích công cộng mà chủ yếu vì lợi ích doanh nghiệp bất động sản. Vì vậy, dự thảo luật cần quy định chủ đầu tư tự thỏa thuận với người sử dụng đất, để đảm bảo công bằng.
Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo cho rằng Nghị quyết 18 xác định việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Trong khi đó, dự thảo quy định dự án đô thị, nhà ở thương mại thuộc trường hợp phải đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. “Vì vậy, trong trường hợp này, Nhà nước phải thu hồi đất để thực hiện”, báo cáo của Chính phủ nêu.
Ngoài ra, cơ quan soạn thảo lập luận, việc đấu giá, đấu thầu không chỉ tạo công bằng, minh bạch trong tiếp cận đất đai mà còn tạo nguồn thu lớn cho ngân sách; điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người có đất thu hồi và nhà đầu tư.
Dự thảo đã quy định trường hợp chủ đầu tư được thỏa thuận với người sử dụng đất để thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại. Tuy nhiên, nội dung này còn nhiều ý kiến. “Khi thực hiện đồng thời hai cơ chế (thu hồi đất và tự thỏa thuận) sẽ có sự so bì về mức giá bồi thường gây phát sinh khiếu kiện”, báo cáo nêu.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, cơ quan soạn thảo đã sửa dự luật theo hướng tách thành hai trường hợp. Thứ nhất, dự án đô thị, nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải đất ở thì Nhà nước thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để tổ chức đấu giá, đấu thầu. Thứ hai, thông qua thỏa thuận để thực hiện dự án.
Cũng có ý kiến cho rằng dự thảo chưa cụ thể điều kiện, tiêu chí, chưa phân biệt rõ dự án có mục đích kinh tế đơn thuần; chưa làm rõ nội hàm thu hồi đất phát triển kinh tế – xã hội và trường hợp “thật cần thiết” thu hồi đất theo điều 54 Hiến pháp năm 2013.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, dự thảo đã quy định cụ thể tiêu chí, điều kiện các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, nhằm thể chế Nghị quyết 18 và Hiến pháp năm 2013. Tuy nhiên, đây là nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, nên sẽ được lấy ý kiến nhân dân để hoàn thiện.
________________________________________________________