Hà Nội định hướng mô hình ‘Thành phố Phía Tây’: Thể hiện tầm nhìn, chiến lược mới


6 Tháng chín, 2023
 “Thành phố phía Tây” của Hà Nội được định hướng là trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu, thành phố khoa học – công nghệ, giáo dục và đào tạo chất lượng cao, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp hữu cơ.

Chiều 22/8, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội phối hợp cùng đơn vị tư vấn tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về phương án phát triển 4 huyện: Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội, thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trình bày phương án phát triển của 4 huyện tại Hội thảo, đại diện đơn vị tư vấn cho biết: Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ là các huyện ngoại thành phía Tây trung tâm Thủ đô Hà Nội với đặc điểm tự nhiên là vùng bán sơn địa, núi đá vôi xen lẫn đồng bằng, lãnh thổ rộng lớn, địa hình thấp dần từ Tây sang Đông. Địa hình đa dạng đã tạo ra nhiều vùng cảnh quan hấp dẫn để phát triển dân cư gắn với du lịch sinh thái, đặc biệt là hành lang cảnh quan sông Đáy, sông Tích và vùng núi Viên Nam.

Đây cũng là vùng đất đa dạng văn hóa làng nghề, trong đó Thạch Thất nổi tiếng với nhiều làng nghề nổi tiếng của xứ Đoài như: nghề mộc Chàng Sơn, dệt Hữu Bằng, đan lát Bình Phú, sắt – cơ kim khí Phùng Xá…

Khu vực này có đại lộ Thăng Long; các Quốc lộ 21, 32, 6; đường Vành đai 3,5, Vành đai 4… tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội, mở rộng giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội với vùng kinh tế Tây Bắc, hành lang phát triển đường Hồ Chí Minh và cả nước.

Trên địa bàn 4 huyện còn tập trung những khu chức năng, dự án mang cấp quốc gia như: Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia…

Hiện tại, hệ thống kết nối hạ tầng xuyên tâm về trung tâm Thủ đô khá tốt và trong tương lai càng gia tăng động lực với nhiều tuyến bổ trợ song hành được định hướng trong quy hoạch như: trục Hồ Tây – Ba Vì, Hà Nội – Xuân Mai, hệ thống đường sắt đô thị kết nối lên Hòa Lạc…

Bên cạnh những lợi thế phát triển, đơn vị tư vấn cho biết, khu vực 4 huyện còn nhiều điểm nghẽn, hạn chế. Cụ thể, cơ sở hạ tầng chậm và không có nhiều phát triển so với quy hoạch (hiện mới có Đại lộ Thăng Long chưa được hoàn thiện mặt cắt trên toàn tuyến để đảm bảo kết nối) làm cho các kết nối kém đi, và các trục giao thông như QL6, QL 21 … bị quá tải, ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh tế. Hệ thống giao thông đường bộ của 4 huyện đã cũ, không đáp ứng tốt cho nhu cầu. Các tuyến đường liên xã nhỏ và chất lượng cũng đang dần xuống cấp.

Tốc độ triển khai quy hoạch rất chậm, ảnh hưởng đến việc thực hiện đầu tư xây dựng tại khu vực các xã. Định hướng quy hoạch với nhiều chức năng di dời giảm tải trong nội đô như: giáo dục, y tế… nhưng chưa hoàn thành do nhiều bất cập. Nguồn lực đầu tư phát triển còn hạn chế, chính sách phát triển chưa có đột phá…

Vì vậy phương án phát triển được đơn vị tư vấn đưa ra với định hướng chủ đạo là mô hình “Thành phố phía Tây” phù hợp với mục tiêu quốc gia; xem xét lại chủ trương di dời các chức năng trong nội đô ra các đô thi vệ tinh và thị trấn sinh thái để phù hợp với nguồn lực đầu tư; xem xét lại mô hình phát triển và giai đoạn đầu tư đối với các đô thị vệ tinh; phát triển các thị trấn sinh thái với trục không gian bám theo Quốc lộ 6 và Đại lộ Thăng Long, cùng với hệ thống đường sắt tạo thành hành lang đô thị dọc tuyến. Hành lang xanh: bảo tồn hệ thống di tích di sản về văn hóa, cảnh quan và làng nghề…

Trong đó, “Thành phố phía Tây” là trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu, thành phố khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo chất lượng cao, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ du lịch gắn với nông nghiệp hữu cơ.

Điểm nhấn trong phương án phát triển của 4 huyện Hoài Đức, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ là 5 đột phá.

Theo đó, huy động nguồn lực quốc gia để hình thành và phát triển “Thành phố phía Tây”, thành trung tâm kết nối trí tuệ toàn cầu, với các chức năng chính: Khoa học – Công nghệ, Nghiên cứu và phát triển (R&D), giáo dục; kinh tế dịch vụ, làng nghề, đô thị sinh thái…;

Tập trung chủ yếu phát triển Hòa Lạc, là hạt nhân chính để phát triển Thành phố phía Tây trung tâm của khoa học công nghệ, không gian số… bằng các cơ chế riêng, hệ thống hạ tầng kết nối hoàn chỉnh;

Xây dựng mô hình đô thị No.CO2, ngôi nhà thứ 2 dành cho các nhà khoa học lớn trong nước và quốc tế; Giữ nguyên định hướng trục Hồ Tây – Ba Vì, chỉ vi chỉnh để đảm bảo tính khả thi, để hình thành không gian và trung tâm văn hóa mới của Thủ đô; Vùng không gian giữa sông Tích và sông Đáy đề xuất mô hình chuỗi cụm làng nghề, xanh, thông minh, lưu giữ được bản sắc văn hóa xứ Đoài nhưng vẫn hội nhập với kinh tế tri thức, công nghệ và có tính bổ trợ cho hạt nhân là khu Công nghệ cao Hòa Lạc…

Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải đánh giá ý nghĩa của hội thảo khi đây là vùng huyện cuối cùng của Thủ đô, với điểm nhấn là không gian văn hóa lịch sử lâu đời, được lấy ý kiến về phương án phát triển nhằm tích hợp vào Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phó Chủ tịch UBND thành phố đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến đóng góp của các sở, ngành, chuyên gia, lãnh đạo các huyện đã nêu, vừa có tầm nhìn, vừa cụ thể để đưa vào báo cáo giai đoạn 2 của quá trình lập Quy hoạch Thủ đô.

Các sở chuyên ngành được yêu cầu ngay trong tuần này xây dựng báo cáo của ngành, lĩnh vực, coi đó là cẩm nang để giúp đơn vị tư vấn cũng như các quận, huyện rõ quan điểm, mục tiêu phát triển cũng như các định hướng, danh mục dự án phát triển cụ thể trong giai đoạn tới.

Các huyện tiếp tục làm rõ, đề xuất các danh mục, chương trình, dự án phát triển đột phá với các đơn vị tư vấn, thể hiện rõ khát vọng phát triển. Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn sẽ giúp thể hiện qua phương pháp nghiên cứu khoa học, bằng luận chứng báo cáo đưa vào Quy hoạch Thủ đô với khát vọng, tầm nhìn, chiến lược mới, đột phá và đặc sắc.

Hương Mi

Thẻ:,

Leave a Reply

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *